Giáo dục vì sự phát triển bền vững với tổ chức giáo dục ZeroSei

Giáo dục vì sự phát triển bền vững

Tại Bali, Indonesia, một khóa học dành cho các giáo viên mầm non với sự chia sẻ đầy tâm huyết từ các chuyên gia giáo dục đến từ Canada, Thụy Điển, Ý. Khóa học đã mang lại cho chúng tôi một khái niệm mới, giúp chúng tôi dấn thân hơn vào giáo dục vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đó chính là khái niệm “Giáo dục vì sự phát triển bền vững”, một khái niệm đa chiều bắt đầu từ các giá trị tích hợp, nó bao hàm sự bình an, hạnh phúc bền vững, sự tự nhận thức của trẻ em và người lớn, sự bình đẳng và hợp tác xã hội với hệ thống văn hóa, xã hội và môi trường.

Bắt đầu từ trẻ. Đứa trẻ cần được nuôi dưỡng khỏe mạnh, gần gũi thiên nhiên và chăm sóc vật nuôi để có tình yêu thương nhân loại và hành tinh. Đứa trẻ tự tay chuẩn bị bữa ăn cho mình để có cơ hội làm quen với các nguyên liệu và thực phẩm địa phương và học cách chăm sóc cơ thể của mình. Chính giờ ăn đã trở thành một cơ hội học tập cho trẻ, trẻ thực hành nhiều kỹ năng xã hội và thể chất cũng như trải nghiệm những điều mới.

 

Bên cạnh sức khỏe thể chất thì việc rèn luyện sức khỏe tinh thần thông qua hoạt động thiền hàng ngày sẽ giúp cho trẻ thấy được vẻ đẹp bên trong của chính mình, trẻ ngồi yên như để lắng đọng lại tâm hồn, tưởng tượng mình là bông hoa tươi mát, là ngọn núi vững vàng, ngửi được mùi hương trong gió, nghe tiếng chim hót, nhặt chiếc lá rơi xếp thành những hình yêu thích. Giáo viên sống trong giây phút chánh niệm, để có thể dậy học trong chánh niệm.

Trường học cần chứa đựng các yếu tố văn hóa của quốc gia, của bản địa và nền tảng văn hóa gia đình để nuôi dưỡng những đứa trẻ luôn hiểu được mình là ai “Being”, mình thuộc về đâu “Belong” trước khi muốn biết mình sẽ trở thành người như thế nào “Becoming”.

Nguyên liệu học tập là những học liệu có sẵn từ thiên nhiên, từ các đồ tái chế, tái sử dụng. Có một kho Remida là nơi tiếp nhận các sản phẩm thừa từ nhà máy công nghiệp, người ta bày đẹp đẽ và khoa học, các nguyên liệu còn được trưng bày trên bàn ánh sáng, bàn gương, góc nghệ thuật để thấy được những vẻ đẹp từ chính nguyên liệu đó. Điều đó cho thấy không phải cứ thấy nguyên liệu đẹp mới lấy về mà quan trọng là chúng ta phải thấy được vẻ đẹp trong mỗi nguyên liệu. Đó cũng là một cách nhìn nhân văn đối với cuộc sống, ta luôn thấy vẻ đẹp xung quanh ta. Triết lý từ Remida cho rằng không có gì có thể dán nhãn “rác thải”, mọi thứ đều có thể đem lại vô vàn cơ hội học tập cho trẻ, kho nguyên liệu mở góp phần cho sự phát triển bền vững của giáo dục.

Chúng tôi tin rằng giáo dục vì các yêu tố này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và giúp xã hội tốt đẹp hơn, xây dựng một thế hệ biết sống hạnh phúc.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *