Dự án ô tô

CÂU CHUYỆN CỬA XE Ô TÔ

MỖI EM BÉ LÀ MỘT CỘNG SỰ – 2/2/2018

Mỗi em bé là một cộng sự là một nguyên tắc được đề cập đến thứ hai trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia, ngay sau nguyên tắc “Trẻ em là trung tâm“. Sự giá trị trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia chính là ở chỗ: dù lấy em bé làm trung tâm trong quá trình chơi và học nhưng em bé không phải là cá thể được cá nhân hóa cái tôi tuyệt đối, mà Reggio Emilia luôn đề cao tính tập thể và cộng sự hợp tác trong quá trình làm việc, mà ở đó, mỗi cá nhân là một mắt xích vô cùng quan trọng trong hệ thống đó. Giáo viên Reggio Emilia nhất định phải giúp cho trẻ nhận ra giá trị của cá nhân và hiểu sâu sắc về sức mạnh của tập thể. Nếu giáo viên lúc nào cũng chỉ mãi vướng bận về cái tôi của mình, luôn chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân hay chỉ tập trung xây dựng cho trẻ tính vị kỷ mà không có tính vị tha và tính cộng sự, thì đó chắc chắn chưa phải là giáo viên Reggio Emilia.

Câu chuyện về 5 em bé và một bên cánh cửa xe ô tô bị hỏng là một minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc “Mỗi em bé là một cộng sự.

Hãy khoan bàn đến lỗi do người lái xe hay do trẻ nhỏ đã khiến cho chiếc cửa bị hỏng. Vì chiếc cửa hỏng cũng đã hỏng rồi. Vấn đề là phương án giải quyết như thế nào để có thể giúp trẻ nhận thức rõ nhất và có sự trải nghiệm tự thân về hậu quả xảy ra để các con có tri thức trong vấn đề này – lưu ý: Điều quan trọng là cần cho các con tri thức chứ không chỉ là kiến thức đơn thuần.

Bây giờ ngồi nghĩ lại hoặc bàn lại về chuyện đó thì có thể chúng ta sẽ rất bình tĩnh và sáng suốt. Nhưng dám cá rằng trong lúc đó, đa phần người lớn nào cũng sẽ rất bực tức mấy đứa nhỏ, và chỉ muốn tách tụi nhỏ ra khỏi quá trình diễn ra đằng sau càng sớm càng tốt (có thể vì lý do an toàn cho trẻ hay vì lý do quá bực).

Hôm qua, khi cô Thảo thấy cánh cửa xe bị hỏng và thấy mình chắc chắn không thể tự sửa được. Cô Thảo đã yêu cầu các bạn nhỏ xuống xe để nói chuyện. Tụi nhỏ kéo nhau xuống và rì rầm: cô Thảo bực rồi, cô Thảo đang tức đó

Cô Thảo: Bây giờ bạn nào nói cho cô biết ai đã làm cho cửa xe của cô bị hỏng?

Zin Zin: con ạ

(Một em bé trong bối cảnh đó dám tự tin đứng ra nhận lỗi về mình, thật quá đáng khen cho em bé Reggio kỳ cựu. Nhưng cũng phải khen cô đã như thế nào mới khiến trẻ “dám” tự tin nhận lỗi như thế. Cách của giáo viên thế nào sẽ được bàn luận trong bài viết khác)

Cô Thảo: con nói cho cô nghe con đã làm gì khiến cho cửa hỏng và vì sao con lại làm thế?

Zin Zin: con mở ra mở vào nhiều lần, vì con muốn xem cửa mở

Câu trả lời của con khiến cô đứng hình vài giây để nín thở.

Quay ra nhìn 5 bạn cô bình tĩnh nói chậm rãi, rõ ràng nhưng đủ sức nặng của sự nghiêm túc.

Cô Thảo: bây giờ cô cần 1 bạn giúp cô làm một việc và cô muốn gửi niềm tin vào Khôi trước, con có thể giúp cô ngồi giữ cánh cửa này khi cô đi xe rất chậm để đưa xe về gara được không? (Vì cô biết có 1 gara xe ngay cách đó khoảng vài trăm mét).

Khôi: con làm được ạ

Cô Thảo: nhưng con phải nhớ là nếu con mỏi tay, con phải nói với cô để cô dừng xe lại và đổi ca cho các bạn khác. Con không nên cố giữ khi mỏi tay, con nhớ không?

Khôi: vâng ạ

Sau đó cả đoàn đã cùng nhau đi với tốc độ bằng xe đạp lên dốc và cứ khoảng 50m là bạn giữ cửa đã mỏi tay và kêu gọi đồng đội đang rất háo hức chờ đến lượt để được giúp đỡ cô và bạn. Với sự góp sức của 4 bé Khôi, Khánh, Na, Zin, chiếc xe đã được đưa về gara an toàn.

Vào gara, các cô chú nhân viên vô cùng ngạc nhiên khi thấy 5 em bé lần lượt xếp hàng vào qua cửa, đếm mãi không hết tụi lít nhít này bước vào. Có chú còn thấy thú vị quá bỏ cả vị trí trực khách để sang đứng xem mấy bạn nhỏ đang ngồi ngoan ngoãn ở băng ghế chờ cô. Sau đó, trong lúc chờ thợ sửa xe, các con được đi một vòng tham quan khu xưởng sửa chữa xe của gara. Chỉ tiếc là các chú thợ sửa quá nhanh nên các con chỉ kịp chơi ở gara được khoảng 3 phút là đã phải về rồi.

Khi ra nhận xe, trước khi lên xe cô Thảo đã nói chuyện và hỏi các bạn bây giờ ai sẽ là người mở cửa xe, tất cả đều đồng thanh là “cô Thảo”. Sự đáng yêu của các con khiến chú thợ sửa cứ cười mãi và chú đã không lấy tiền sửa lại còn tận tình đứng hướng dẫn cô Thảo cách sửa nếu chẳng may lại có lần sau nữa, trước sự tò mò quan sát của các con.

Trên đường về các bạn được cô Thảo ôn tập lại câu chuyện: vì sao mình phải vào gara sửa xe, vì sao cửa bị hỏng, nếu cánh cửa bật ra khi đang đi điều nguy hiểm gì sẽ xảy ra. Các bạn đều rất vui vẻ trả lời một cách chính xác kỹ năng an toàn giao thông và thi nhau kể những người lớn nào trong gia đình có thể mở được cửa, còn trẻ con không được tự ý mở cửa xe. Riêng có bạn Nắng trên đường về là thích nhất vì con được giữ cửa bù cho đoạn đường lúc trước chưa được giữ, và con vô cùng tự hào vì con giữ cánh cửa (đã được đóng chặt) một đoạn vô cùng dài, về tận đến trường mà vẫn chưa mỏi tay tý nào

Câu chuyện này chứng minh một điều: hãy trao cho trẻ niềm tin, chắc chắn trẻ sẽ là một cộng sự đắc lực của người lớn, hãy cho trẻ cơ hội và sự trải nghiệm, trẻ sẽ học được vô vàn nhiều điều giá trị

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *